Những “góc khuất” của nghệ sĩ xiếc khiến ai nghe cũng phải đau lòng

Nghề xiếc được xem là nghề “bán mạng cho may rủi” bởi nguy cơ bị tai nạn dẫn đến chấn thương, mất mạng… luôn thường trực. Vậy, vấn đề đãi ngộ dành cho các nghệ sĩ xiếc liệu đã tương xứng?

Những cú tai nạn kinh hoàng, ám ảnh cả một đời

Chỉ trong chưa đầy một tháng, làng xiếc quốc tế đã phải chứng kiến sự ra đi của hai nghệ sĩ xiếc vì những tai nạn vô cùng thương tâm. Anton Martynov (33 tuổi) – một nghệ sĩ xiếc giỏi kinh nghiệm người Nga trong lúc đang biểu diễn trên cao đã bị tuột tay rơi từ độ cao 6 mét xuống sàn sân khấu, bị tổn thương tủy sống, chấn thương nặng ở phần đầu… và đã không thể qua khỏi sau 3 tuần điều trị tích cực.

Mới đây, nghệ sĩ xiếc Yann Arnaud (38 tuổi) – một nghệ sĩ xiếc đu dây của đoàn xiếc nổi tiếng thế giới Cirque du Soleil (Canada) đã tử vong sau cú ngã kinh hoàng trên sân khấu khi đang thực hiện tiết mục đu dây trên không tại Mỹ. Hai cái chết của hai nghệ sĩ xiếc tài năng và dày dạn kinh nghiệm khiến không ít người bàng hoàng. Người ta không khỏi nghĩ ngợi nhiều về sự nguy hiểm, có khi phải đánh đổi bằng tính mạng của những nghệ sĩ đã trót mang nghiệp với xiếc.

                     Nghệ sĩ xiếc luôn phải đối diện với những nguy cơ bị tai nạn trong quá trình biểu diễn và tập luyện.

Ở Việt Nam dù chưa có tai nạn nào quá đau lòng nhưng chuyện tai nạn đối với các nghệ sĩ xiếc là chuyện ngày thường ở huyện. NSND Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, các yếu tố như thiết bị an toàn, sân khấu hiện đại, đệm thật êm… cũng khó có thể tránh được câu chuyện tai nạn trong xiếc, nhất là do những nguyên nhân khách quan như đang diễn thì bị chuột rút hoặc những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của diễn viên.

Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhiều nghệ sĩ như: Trần Ngọc Mỹ Hạnh, Lê Văn Tài, Lan Hương, Bùi Nhị Linh, Ngô Tuyết Hoàn, Dương Lệ Quyên… cũng từng phải đối diện với tai nạn khi đang tập luyện hoặc biểu diễn. Bản thân NSƯT Kim Hạnh – người nổi tiếng với tiết mục đu cánh diều đã bị ngã gãy tay khi đang cố gắng tập động tác mạo hiểm hơn trên không. NSƯT Ngô Tuyết Hoàn gặp tai nạn trong quá trình tập luyện dẫn đến bị liệt nửa người, trở thành tàn phế, phải ngồi trên xe lăn…

Đến như cặp đôi “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ – Quốc Nghiệp cũng từng suýt phải giã từ nghề xiếc vì gặp tai nạn kinh hoàng khi đang lưu diễn ở Đài Loan. Theo đó, năm 2009, trong lúc đang biểu diễn tiết mục chồng đầu thì Quốc Nghiệp bị ngã dẫn đến bị chấn thương rất nặng ở vùng cổ. Các bác sĩ Đài Loan đã khuyên Quốc Nghiệp nên bỏ nghề để giữ mạng sống bởi những chấn thương đó nếu không giữ gìn có thể khiến anh tàn phế suốt đời. Sau cú ngã đó, Quốc Nghiệp lại tiếp tục bị ngã thêm một lần nữa dẫn đến đốt sống cổ bị vẹo chèn vào màng cứng – tuỷ, khả năng bị liệt hoàn toàn rất cao.

Vào trung tuần tháng 3/2017, một diễn viên khi biểu diễn tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu ở Hà Nam cũng đã gặp tai nạn rất nặng ở vùng mặt. Nam diễn viên này ngay sau đó phải trải qua một cuộc phẫu thuật và chịu nhiều tổn thương vùng mặt do vụ tai nạn lúc đang biểu diễn gây ra.

NSND Tạ Duy Ánh cho rằng, đã theo nghiệp xiếc thì đồng nghĩa phải chấp nhận sự rủi ro, thậm chí là cả tử vong vì nghề. Quốc Cơ – Quốc Nghiệp cũng khẳng định, nghề xiếc là nghề nguy hiểm bởi mức độ bị chấn thương (thậm chí mất mạng) do tai nạn trong lúc biểu diễn hoặc tập luyện là rất cao dù nghệ sĩ có tài năng lẫn kinh nghiệm đến mấy.

Chưa có chế độ đãi ngộ hợp lí

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ Việt Nam tránh được những cú tai nạn kinh hoàng – đáng tiếc là do xiếc Việt chưa thực hiện các động tác kỹ thuật – kỹ xảo quá khó như nghệ sĩ quốc tế. Mặt khác, thiết bị đạo cụ tập luyện – biểu diễn ở Việt Nam vẫn còn thô sơ nên diễn viên cũng thận trọng hơn khi thực hiện các động tác kỹ thuật, dẫn tới giảm thiểu tối đa những chấn thương trong tập luyện.

Ở Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam còn có riêng một ban an toàn lao động thường xuyên cùng với ban giám hiệu đôn đốc, kiểm tra các đạo cụ tập luyện cho học sinh. Mặt khác, trường còn có một chuyên viên kỹ thuật chuyên treo lắp các thiết bị đạo cụ trên cao để đáp ứng yếu tố an toàn trong tập luyện của thầy và trò.

                                              Quốc Cơ – Quốc Nghiệp từng suýt phải bỏ nghề vì những cú chấn thương.

Ngoài ra, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và một số đoàn xiếc đã có chính sách mua bảo hiểm thân thể ở mức “đặc biệt” cho các nghệ sĩ xiếc, cải thiện môi trường tập luyện và các giải pháp về an toàn lao động. Đặc biệt các chính sách đặc thù đối với các bệnh nghề nghiệp đối với loại hình nghệ thuật xiếc. Tuy nhiên, thực tế là những chính sách đó vẫn chưa đáp ứng được giảm thiểu được những nguy cơ mà nghề xiếc phải đối mặt.

Theo NSND Tạ Duy Ánh, các nghệ sĩ xiếc phải vất vả vì khổ luyện, nguy hiểm luôn rình rập, đối diện với chấn thương thường xuyên… thậm chí có thể đánh đổi cả mạng sống nhưng nghề xiếc ở Việt Nam vẫn chưa thực sự có chế độ đãi ngộ hợp lí.

Riêng nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp lại cho rằng, nghề xiếc không chỉ nguy hiểm, vất vả và tuổi thọ không cao… mà còn khiến người thân phải luôn ngổn ngang với hàng trăm mối lo sợ. Mặc dù cho đến nay, nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ khi biểu diễn hoặc tập luyện đã được chú trọng nhưng nguy cơ chấn thương trong xiếc là luôn luôn rình rập. Vì thế, có người gọi nghề xiếc là nghề “bán tính mạng cho may rủi”.

Mặc dù phải hoạt động trong môi trường nguy hiểm nhưng các nghệ sĩ xiếc của Việt Nam vẫn đang có nhiều thiệt thòi. Bằng chứng là trong các đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thì các nghệ sĩ xiếc vẫn không được xét theo quy chế đặc thù mà áp dụng theo “khung” cứng như các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, lương thưởng của các nghệ sĩ xiếc, nhất là các đoàn công lập vẫn thực hiện theo quy định của nhà nước. Các chế độ đãi ngộ lẫn chính sách ưu đãi vẫn chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp.

NSND Tâm Chính – Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho rằng: “Cần có chế độ đãi ngộ riêng cho những người làm nghệ thuật xiếc, nhất là khi những nghệ sĩ xiếc gặp tai nạn khi đang tập luyện, biểu diễn. Cần phải có chế độ bảo hiểm đặc biệt cho cả người bị tai nạn tàn phế cho đến người bị tử nạn. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu sao để có những chế độ lương bổng đặc cách cho những nghề đặc biệt nguy hiểm như xiếc, nếu không sẽ khó có ai có thể gắn bó với nghiệp xiếc khi mà sự sống, tai nạn luôn kề cận”.

Nguồn : Báo Dân Trí

 

Bài viết liên quan